Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Phương án nào cho BOT Cai Lậy?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu 3 phương án tháo gỡ cho trường hợp trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), gây tranh luận trái chiều.


Tại Hà Nội, sáng 5-12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy trong vòng 1-2 tháng để rà soát lại toàn bộ quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, tổ chức thu phí; làm rõ việc tuân thủ quy định pháp luật, làm rõ những vấn đề có thể có bất cập, từ đó xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Thủ tướng trước khi tổ chức thu phí trở lại.

Ba "kịch bản"

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng nói về những bất cập mà dư luận đã nêu, như cho rằng việc nhà đầu tư làm tuyến tránh nhưng lại đặt trạm thu phí trên quốc lộ (QL), trong đó có các trạm thu phí BOT Cai Lậy, Biên Hòa (Đồng Nai), Bến Thủy (Nghệ An)…

Đối với BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết bộ có 3 "kịch bản" để tính toán. Thứ nhất, nếu giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy thì tăng cường tuyên truyền vận động, kèm cải thiện dịch vụ như mở thêm làn... Thứ hai, di dời trạm thu phí về tuyến tránh. Với "kịch bản" này, cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên, rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng. Thứ ba, sẽ đặt 2 trạm thu phí: một trạm trên QL 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên QL; một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về 3 phương án với BOT Cai Lậy nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng Thủ tướng đã nghe báo cáo và các bộ - ngành đều có ý kiến trong cuộc họp tối 4-12. "Cũng có bộ - ngành thiên về phương án này, phương án kia song nhìn chung không có ai nói nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy" - ông Đông nói.

"Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn yêu cầu phải rà lại toàn bộ để xem xét. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng quyết định" - Thứ trưởng Đông nhấn mạnh thêm.
Phương án nào cho BOT Cai Lậy? - 1
Không nên dùng ngân sách mua lại

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động cùng ngày, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đối với dự án trạm thu phí BOT Cai Lậy, về cơ bản cần thực hiện 2 việc. Một là, phải rà soát toàn bộ và xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm tất cả hành vi vi phạm. Hai là, di chuyển trạm thu phí về tuyến tránh và đàm phán lại với nhà đầu tư. Nếu không thỏa thuận được với nhà đầu tư thì có thể kêu gọi đơn vị khác vào thu phí. "Tôi cho rằng không dùng ngân sách mua lại trạm BOT Cai Lậy, vì nếu dùng ngân sách để mua lại, có thể khỏa lấp trách nhiệm của người làm sai và buộc nhà nước làm thế chỗ cái sai của họ" - ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, đánh giá: Rõ ràng, nút thắt để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy chính là vị trí đặt trạm thu phí. Việc nhà đầu tư nâng cấp, sửa một đoạn trên QL1 (khoảng 300 tỉ đồng), đồng thời đầu tư tuyến tránh, sau đó lại đặt trạm thu phí trên QL là bất hợp lý và đã bị người dân phản ứng. Do đó, nút thắt phải gỡ ở đây là di dời trạm thu phí vào tuyến tránh, sau đó Bộ GTVT đàm phán, tạo cơ chế cho nhà đầu tư dự án để thu phí, có thể tăng mức phí hoặc kéo dài thời gian thu phí để hoàn vốn.

"Đối với 3 phương án cho BOT Cai Lậy mà Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu ra, tôi cho rằng chỉ có phương án thứ hai là hợp lý nhất, đó là di dời trạm thu phí về tuyến tránh. Còn phương án thứ nhất và thứ ba khó có thể được chấp nhận" - ông Thủy nêu quan điểm.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), nên tách phần cải tạo QL1 ra; dùng phí bảo trì đường bộ hoàn trả lại cho chủ đầu tư đối với phần cải tạo QL1; dời trạm BOT vào đường tránh; rà soát lại mật độ xe qua thị xã Cai Lậy, xe nào có tải trọng lớn, xe từ 30 chỗ ngồi trở lên, xe container thì cấm, buộc đi vào đường tránh để giảm tải cho nội ô Cai Lậy. Chỉ có giải pháp đó mới tháo gỡ được vấn đề...












0 nhận xét:

Đăng nhận xét